A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BÀI VIẾT CỦA GIÁO VIÊN VŨ THỊ THANH

                                                                  BÀI VIẾT CỦA GIÁO VIÊN VŨ THỊ THANH: BÁC HỒ VỚI HƯNG YÊN, HƯNG YÊN VỚI BÁC HỒ

1. Giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh cần học tập và làm theo đối với cán bộ, đảng viên hiện nay

Năm 1946, khi trả lời các phóng viên nước ngoài, Hồ Chí Minh khẳng định rõ mục tiêu, lý tưởng của mình: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Từ đó có thể thấy, giải phóng dân tộc để đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là mục tiêu nhất quán và xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Chính vì vậy, nếu dùng một từ khái quát tư tưởng của Hồ Chí Minh thì đó là từ Dân, Dân ở đây trước hết là nhân nhân và dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam nuôi dưỡng nhân dân Việt Nam, nhân dân Việt Nam gây dựng nên dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam là chủ nhân của dân tộc Việt Nam, nên dân tộc Việt Nam thống nhất với nhân dân Việt Nam và ngược lại, nhân dân Việt Nam thống nhất với dân tộc Việt Nam. Hay nói một cách khác, nước và dân thống nhất với nhau, vì dân cũng là vì nước và ngược lại vì nước cũng là vì dân. Dân theo Hồ Chí Minh bao hàm trong đó nhiều nội dung như dân sinh, dân quyền, dân chủ, dân trí, dân hạnh phúc, dân phát triển... Các nội dung này có mối quan hệ mật thiết với nhau, làm điều kiện, tiền đề cho nhau, ví dụ như muốn có dân hạnh phúc, dân phát triển thì phải có dân sinh, dân quyền, dân chủ... và ngược lại, dân hạnh phúc, dân phát triển lại thúc đẩy sự phát triển, sự tiến bộ của dân quyền, dân chủ... Chính vì vậy, các nội dung dân sinh, dân quyền, dân chủ, dân trí, dân hạnh phúc, dân phát triển... thống nhất chặt chẽ với nhau trong khái niệm Dân của Hồ Chí Minh. Do đó, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giải phóng dân tộc cũng là nhằm giải phóng nhân dân khỏi thân phận nô lệ, khỏi áp bức, bất công, bởi dân tộc có độc lập thì dân sinh mới được tự do, dân quyền, dân chủ, dân trí, dân phát triển, dân hạnh phúc... mới được đảm bảo. Giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc là điều kiện cần cho dân sinh tự do, hạnh phúc, dân quyền, dân chủ, dân trí, dân phát triển... Điều kiện đủ là CNXH, bởi chỉ có phát triển lên CNXH mới xóa bỏ được áp bức bất công, mới có điều kiện vật chất để thực hiện dân sinh hạnh phúc, dân trí phát triển, mới đảm bảo được dân quyền, dân chủ một cách thực chất và triệt để. Do đó, trong tư tưởng Hồ Chí Minh độc lập dân tộc và CNXH gắn liền với nhau và cũng vì mục tiêu tốt đẹp là đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, dân chủ... cho nhân dân. Mục tiêu lý tưởng đó luôn đau đáu trong tâm khảm Hồ Chí Minh, và thể hiện nhất quán trong tư tưởng, hành động của Người trong những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước cho đến tận cuối đời, chính vì vậy mà tư tưởng Hồ Chí Minh mang tính nhân văn cao cả, mang tính nhân bản sâu sắc và đó cũng là giá trị cốt lõi nhất quán trong tư tưởng của Người.

Mục tiêu giải phóng nhân dân khỏi áp bức bất công, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân của Hồ Chí Minh được Đảng ta kiên định trong quá trình cách mạng giải phóng dân tộc thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc đổi mới. Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng ta đề ra hiện nay thống nhất với giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Do đó, đối với cán bộ, đảng viên hiện nay, quán triệt, học tập và làm theo giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh là quán triệt và thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

* Giá trị cốt lõi của đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần học tập và làm theo đối với cán bộ, đảng viên hiện nay:

Giá trị cốt lõi trong đạo đức Hồ Chí Minh chính là đạo đức cách mạng, cụ thể là phải bao gồm các phẩm chất: Trí - Tín - Nhân - Dũng - Liêm. Trong đó, Trí là biết phân biệt địch - ta, tốt - xấu, chính - tà, phải trái... biết nhận thức ưu điểm, khuyết điểm của bản thân để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm... nhằm phục vụ tốt hơn cho Đảng cho dân; Tín là “ngôn tất tín, hành tất quả” tức nói phải tin, làm phải có hiệu quả cho dân, cho nước, và nói đi đôi với làm; Nhân là phải có lòng yêu thương đồng loại, yêu thương nhân dân, yêu thương đồng bào, đồng chí, phải có lòng khoan dung độ lượng...; Dũng là phải mạnh dạn, quả quyết nhưng không phải làm liều, dám làm dám chịu, không ngại hiểm nguy trong công việc, kiên trì, nhẫn nại để hoàn thành công việc vì nước, vì dân; Liêm là không tham quyền cố vị, không tham sắc tham tài, trọng nghĩa khinh tài, giữ vững sự trong sạch, chính trực trong công việc để phục nhân dân, phục vụ Tổ quốc được tốt nhất(6)... Tất cả các phẩm chất này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Những phẩm chất đó không chỉ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau mà còn thống nhất với nhau và nhằm hướng tới mục tiêu phục vụ nhân dân được tốt nhất, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Hay nói một cách khác, đạo đức cách mạng là nhằm thực hiện sự nghiệp cách mạng đó là độc lập dân tộc và CNXH cho dân tộc Việt Nam, bởi vì chỉ có độc lập dân tộc và CNXH mới có thể đem lại dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc, dân trí phát triển, dân chủ triệt để cho nhân dân.

Theo Hồ Chí Minh, có đạo đức cách mạng thì sự nghiệp cách mạng (độc lập dân tộc và CNXH) mới thành công, hay nói một cách khác, đạo đức cách mạng là tiền đề để thực hiện mục tiêu đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, dân quyền, dân chủ cho nhân dân. Đối với cán bộ, đảng viên hiện nay, quán triệt, học tập, làm theo đạo đức Hồ Chí Minh trước hết phải dĩ công vi thượng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tuân thủ kỷ luật, kỷ cương của Đảng và sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời phải không ngừng tu dưỡng, hoàn thiện bản thân mình một cách toàn diện, không thiên lệch về một phẩm chất nào. Để hoàn thiện bản thân mình một cách toàn diện phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, học tập trên cơ sở thống nhất nhiều phẩm chất, năng lực. Như thống nhất giữa đức và tài, thống nhất giữa hồng và chuyên, thống nhất giữa nói với làm, thống nhất giữa học với hành, thống nhất giữa xây với chống, thống nhất giữa nâng cao đạo đức cách mạng với quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, thống nhất giữa tăng gia sản xuất với thực hành tiết kiệm, thống nhất giữa đổi mới sáng tạo với kỷ luật kỷ cương... Nếu không hội đủ và thống nhất các phẩm chất, năng lực như vậy thì chưa phải là cán bộ toàn diện như Hồ Chí Minh mong muốn, ví dụ như: có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó; lý luận mà không gắn với thực tiễn là lý luận suông, thực tiễn mà không có lý luận dẫn đường là thực tiễn mù quáng...

Bên cạnh đó, để quán triệt, học tập và làm theo giá trị cốt lõi của đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải quyết tâm cao độ trong việc chống lại các bệnh như: bệnh quan liêu xa dân, bệnh chủ nghĩa cá nhân, bệnh lãng phí, bệnh hình thức, bệnh hủ hóa... Đây là những căn bệnh đi ngược lại với giá trị cốt lõi của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; đây là những căn bệnh mà nếu cán bộ, đảng viên mắc phải sẽ làm tổn hại đến lợi ích của Đảng, của nhân dân, đi ngược lại với tinh thần nhân văn nhân bản trong tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời, để quán triệt, học tập và làm theo giá trị cốt lõi của đạo đức Hồ Chí Minh phải tuyệt đối tuân thủ những Văn kiện, Nghị quyết, Quy định... của Đảng, đặc biệt là những Nghị quyết, Quy định liên quan đến đạo đức cán bộ đảng viên như: Quy định 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Những điều đảng viên không được làm (19 điều); Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 30-10-2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ (27 biểu hiện)... Ngoài ra, mỗi cán bộ, đảng viên còn cần phải tích cực giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện để các cán bộ, đảng viên khác thực hiện tốt các Nghị quyết, Quy định của Đảng, trên cơ sở đó hiện thực hóa một cách tốt nhất, triệt để nhất chủ trương, đường lối của Đảng nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.

Phong cách Hồ Chí Minh là những giá trị đặc trưng, mang đậm nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam như yêu nước, thương dân, tương thân tương ái... đồng thời phong cách Hồ Chí Minh mang hơi thở của thời đại, của nhân loại như mang tính khoa học, hiện đại, tiến bộ... Đó là phong cách của một anh hùng “mong manh áo vải” nhưng “hồn muôn trượng” như nhà thơ Tố Hữu đã khắc họa trong bài thơ Bác ơi; đó là phong cách của một danh nhân văn hóa của thế giới, với tâm đức trong sáng, trí tuệ mẫn tiệp, gần gũi, gắn bó với nhân dân, và luôn luôn vì sự tiến bộ của nhân loại. Phong cách Hồ Chí Minh cũng có mối quan hệ hết sức mật thiết với tư tưởng và đạo đức của Người. Nếu như đạo đức Hồ Chí Minh nhằm thực hiện tư tưởng của Người thì phong cách Hồ Chí Minh vừa nhằm thực hiện tư tưởng, vừa là biểu hiện sinh động của đạo đức cách mạng của Người, có thể nói phong cách Hồ Chí Minh là một trong những phương thức cơ bản thể hiện đạo đức cách mạng của Người. Do đó, phong cách Hồ Chí Minh thống nhất với tư tưởng và đạo đức của Người. Giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh mang tính nhân văn nhân bản, thể hiện ở chỗ tất cả vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, quyền làm chủ... của nhân dân nên giá trị cốt lõi trong phong cách Hồ Chí Minh xét cho cùng cũng là vì dân, đó là phong cách nhằm “tận trung với nước, tận hiếu với dân”; đó là phong cách hướng tới phục vụ tốt nhất cho nước, cho dân; đó là phong cách gần dân, thân dân, tôn trọng nhân dân; đó là phong các kết hợp giữa đại chúng và khoa học, kết hợp giữa bản sắc, truyền thống tốt đẹp của dân tộc với giá trị tinh hoa của thế giới... Phong cách Hồ Chí Minh là nhằm thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất, triệt để nhất tinh thần nhân văn, nhân bản của Người... Vì phong cách Hồ Chí Minh thống nhất với tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh nên để việc quán triệt, học tập và làm theo giá trị cốt lõi của phong cách Hồ Chí Minh có hiệu quả, cán bộ, đảng viên phải biết đặt việc quán triệt, học tập và làm theo giá trị cốt lõi của phong cách Hồ Chí Minh trong mối quan hệ chặt chẽ với việc quán triệt, học tập, làm theo giá trị cốt lõi của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Việc quán triệt, học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh phải được thể hiện trên nhiều phương diện như tư duy, diễn đạt, làm việc, ứng xử, sinh hoạt... dù trên phương diện nào cũng hướng tới phục vụ nhân dân được tốt nhất, nhằm đem lại cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc cho nhân dân, đoàn kết với nhân dân để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, đồng thời có trách nhiệm với nhân loại tiến bộ. Theo đó, đối với cán bộ, đảng viên hiện nay, tư duy phải độc lập tự chủ, năng động, sáng tạo; diễn đạt (nói, viết) phải ngắn gọn, cô đọng, rõ ràng, mạch lạc để người đọc, người nghe dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; làm việc phải khoa học, đem lại hiệu quả thiết thực cho Đảng cho dân, tránh quan liêu, nhũng nhiễu, tham nhũng, hối lộ; ứng xử phải chân tình, nhân ái, khiêm tốn, cầu thị, tôn trọng đồng nghiệp, tôn trọng nhân dân; sinh hoạt phải điều độ, tiết kiệm, chống lãng phí...

Đối với cán bộ là lãnh đạo, quản lý, ngoài việc quán triệt, học tập, làm theo phong cách Hồ Chí Minh ở những nội dung như trên còn cần phải quán triệt, học tập và làm theo phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh, đó là: Phong cách lãnh đạo dân chủ, biết lắng nghe nhân dân, “Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta”(7), lãnh đạo dân chủ, biết lắng nghe nhân dân nhưng không được theo đuôi quần chúng, bởi vì “Trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiên tiến, có lớp lừng chừng, có lớp lạc hậu”(8); Phong cách lãnh đạo sâu sát, nắm chắc tình hình của địa hạt mình lãnh đạo cũng như những địa hạt liên quan trực tiếp, do đó, cán bộ lãnh đạo “Phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ”(9), tức là cán bộ lãnh đạo không phải chỉ ngồi bàn giấy nghe báo cáo, mà còn phải thông qua nhiều cách thức khác nhau để nắm bắt tình hình một cách đầy đủ, chân thực và kịp thời nhất; Phong cách lãnh đạo khoa học, giữ vững nguyên tắc, nhưng linh hoạt trong hành động với tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến” để đem lại chất lượng và hiệu quả cao nhất cho cơ quan, đơn vị nói riêng, cho đất nước, cho nhân dân nói chung; Phong cách lãnh đạo nêu gương, theo tinh thần cán bộ lãnh đạo đi trước, cấp dưới và làng nước theo sau, để nêu gương đòi hỏi cán bộ lãnh đạo phải có đạo đức, bản lĩnh, tài năng, trí tuệ, tầm nhìn... ở một mức độ nhất định; Phong cách lãnh đạo quyết đoán trên cơ sở bàn bạc dân chủ, đưa ra quyết định phải đúng, trúng và kịp thời, dám làm dám chịu; Phong cách lãnh đạo thấm đẫm tình người nhưng không phải là tùy tiện, vô nguyên tắc, tức là lãnh đạo phải thấu tình đạt lý; Lãnh đạo phải khéo dùng người, biết chiêu hiền đãi sỹ, trọng dụng người tài đức, bởi vì theo Hồ Chí Minh, người tài đức “có thể làm được những việc ích nước lợi dân”(10), để thu hút được người tài đức thì người lãnh đạo phải tài đức, hay nói cách khác là dùng người tài đức để thu hút và sử dụng người tài đức; Lãnh đạo phải phát huy được các loại tài năng khác nhau của cấp dưới, theo Hồ Chí Minh, “Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng”(11), nên người lãnh đạo trong quá trình sử dụng cán bộ, cần phát huy cá tính, sở trường của mọi cá nhân, phải tránh tư tưởng cho rằng, cứ giống mình mới là tốt, khác mình là không tốt, dễ sinh bệnh “Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình”(12). Nếu mắc bệnh này sẽ không phát huy được, thậm chí làm thui chột tài năng của những người tính tình không hợp với mình, khi đó sẽ làm lãng phí nhân tài, lãng phí “tài sản” của nhân dân, mà nhân tài là nguồn lực quan trọng nhất trong các nguồn lực, vì có nguồn lực nhân tài thì các nguồn lực khác như đất đai, tài nguyên, tài chính... mới có thể phát huy tốt được. Có nhân tài thì mới hiện thực hóa được sự nghiệp cách mạng đầy nhân văn, nhân bản mà Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn.

Việc quán triệt, học tập, làm theo giá trị cốt lõi tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải được thể hiện bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực gắn với chức trách, công việc của mỗi cán bộ, đảng viên cũng như chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị trên tinh thần vì sự phát triển của đất nước và vì tự do, ấm no, hạnh phúc... của nhân dân. Trong bối cảnh đất nước ta hiện nay, cán bộ, đảng viên quán triệt, học tập, làm theo giá trị cốt lõi của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ góp phần vô cùng quan trọng vào việc triển khai thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, trên cơ sở đó thực hiện thành công công cuộc đổi mới và tiến tới hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng tốt đẹp của Hồ Chí Minh cũng như của Đảng ta.

          2. Viết về chủ đề cuộc thi “Bác Hồ với Hưng Yên, Hưng Yên với Bác Hồ”.

          2.1. Tình cảm của Bác Hồ với Hưng Yên:

Là một tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ, Hưng Yên có diện tích không lớn, nhưng lại có vị trí địa lý quan trọng. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Hưng Yên được coi là cửa ngõ phía đông của thủ đô Hà Nội, trấn giữ các con đường thủy và bộ từ các tỉnh duyên hải Bắc bộ về thủ đô. Cùng với sự bồi tụ của phù sa sông Hồng, sông Luộc, trong sự phát triển của mình, Hưng Yên còn có sự bồi tụ của các lớp trầm tích văn hóa mang đặc trưng phong cách châu thổ của nền văn minh lúa nước. Thương cảng Phố Hiến của Hưng Yên được xem như là “khu kinh tế mở” dưới thời phong kiến, sầm uất như một “tiểu Tràng An” và đã được lưu truyền thành câu ca “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Nhiều danh nhân là con em của quê hương Hưng Yên đã góp phần không nhỏ làm nên diện mạo văn hóa Việt Nam…

          Hưng Yên cũng là tỉnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho những tình cảm đặc biệt. Là Chủ tịch nước, bận trăm công ngàn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian về thăm Hưng Yên đến 10 lần. Riêng năm 1958, Bác Hồ đã về thăm Hưng Yên 5 lần. Người còn dành thời gian viết thư 14 lá thư thăm hỏi, động viên cán bộ và nhân dân Hưng Yên; 20 lần ký sắc lệnh khen thưởng cho tập thể và tặng Huy hiệu của Người cho 67 cá nhân từ các cháu thiếu niên nhi đồng, chiến sĩ dân quân, bộ đội, giáo viên đến các cụ phụ lão, những người con Hưng Yên có thành tích trong chiến đấu, lao động, rèn luyện và học tập…

          a. Tình cảm, lời dạy của Bác Hồ đối với đảng bộ và nhân dân Hưng Yên về trị thủy và làm thủy lợi

          Nằm trong khu vực châu thổ, dù được hưởng khá nhiều thuận lợi về thổ nhưỡng nhưng Hưng Yên lại chịu nhiều hậu quả của lũ lụt do các con sông tạo ra, đặc biệt là sông Hồng, sông Luộc. Trong các triều đại phong kiến, Hưng Yên thường xuyên bị vỡ đê và chịu hậu quả của vỡ đê. Năm 1352, thời Trần Dụ Tông, đê Bát Khối (nay là Bát Tràng và Thủ Khối- Gia Lâm) bị vỡ, “Khoái Châu, Hồng Châu và Thuận An hại nhất”[1]. Năm 1663, thời vua Lê Huyền Tông, đê lộ Khoái cùng bị vỡ. Các năm 1708, 1711, 1730, 1767, đê Mạn Trù, Văn Giang, Khoái Châu đều vỡ. Sách Đại Nam thực lục chép: “Năm 1823, đời Minh Mệnh, vỡ đê Văn Giang. Năm 1828, vỡ đê Kim Quan, Võng Phan, làm chết nhiều người”. Có thời kỳ đê Văn Giang vỡ 18 năm liền:

Hưng Yên mà chẳng được yên

Mười tám năm liền liên tục vỡ đê

          Nỗi ám ảnh về nạn vỡ đê đã trở thành tâm thức của người dân Hưng Yên một thuở. Lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hưng Yên là ngày 10/1/1946, là để thăm đê, động viên nhân dân giữ đê. Bác chân tình: “Trước là thăm đồng bào Hưng Yên, hai là thăm đê”. Nói chuyện với cán bộ và nhân dân tại thị xã Hưng Yên, Người ân cần “Bây giờ ta được độc lập, công việc đắp đê không phải là việc riêng của Chính phủ mà là của tất cả mọi quốc dân. Dân chúng có quyền kiểm soát việc làm để đề phòng những việc nhũng lạm có thể xảy tới”. Cũng tại buổi nói chuyện này, Người căn dặn nhân dân: “Tôi chỉ có một lời là chúng ta phải hết sức thương yêu nhau, đoàn kết chặt chẽ và làm việc giúp đỡ đồng bào kháng chiến đánh Pháp và giúp đỡ đồng bào cứu đói”.

          Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tuy không trực tiếp về Hưng Yên, nhưng Bác đã nhiều lần gửi thư cho đồng bào động viên việc củng cố đê điều, chống giặc phá hoại đê, gây lũ lụt…

          Bên cạnh việc giữ đê, phòng lụt, Bác đặc biệt quan tâm đến vấn đề thủy lợi của Hưng Yên. Sau ngày giải phóng quê hương năm 1954, quân dân Hưng Yên bắt tay khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo phát triển sản xuất, phát triển văn hoá xây dựng quê hương. Là tỉnh đồng bằng châu thổ, nông nghiệp lúa nước là thế mạnh kinh tế chủ lực, Hưng Yên luôn canh cánh nỗi lo về nước tưới tiêu ruộng đồng. Dù truyền thống cố kết cộng đồng làng xã có những kết quả bước đầu trong trị thủy và làm thủy lợi, nhưng so với những cánh đồng tập trung của thời kỳ hợp tác hóa, việc chủ động về nguồn nước vẫn là yêu cầu cấp bách đặt ra. Trong khoảng thời gian 2 năm, 1958- 1959, Bác đã dành thời gian về thăm Hưng Yên 6 lần, chủ yếu để chỉ đạo và động viên Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà làm thủy lợi. Ngày 5/1/1958, Bác về. Buổi sáng, sau khi nói chuyện với cán bộ tỉnh, huyện, xã về chống hạn, Người đi thăm nhân dân đang vét ngòi Triều Dương, xã Quốc Trị[2] và dân công đào sông từ Phố Giác đến Chợ Thi[3]. Tại đây, Người nói: “Làm thuỷ lợi khó nhọc trong vài năm để được sung sướng muôn đời”. Người ân cần dặn dò “Phải đào sông khơi ngòi, hợp tác nhau lại chống thiên tai”. Vâng lời Bác,  nông dân trong tỉnh đã vào các tổ đổi công, hợp tác xã và ra sức đào mương chống hạn.

          Lần thứ tư Bác Hồ về thăm Hưng Yên vào ngày 3/7/1958, nhân Đại hội thi đua sản xuất vụ mùa giỏi tỉnh Hưng Yên. Sau khi nói chuyện với đại biểu Đại hội, Người ra nói chuyện với đoàn đại biểu nhân dân thị xã Hưng Yên tại Văn phòng Uỷ ban hành chính tỉnh bên hồ Bán Nguyệt. Buổi chiều, Bác về thăm nhân dân xã Vạn Xuân (nay là xã Đình Dù, huyện Văn Lâm)- nơi có thành tích đào giếng lấy nước cứu lúa. Tại đây Bác nhắc nhở cán bộ và nhân dân: “Toàn dân đoàn kết một lòng, đập đá thì núi vỡ, đào sông thì nước về”. Đến ngày 20/9/1958, Bác về thăm công trường Đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải. Tại đây Bác nói chuyện với nhân dân các địa phương đang làm việc tại công trường. Người nói: “Công trình Bắc- Hưng - Hải thành công thì mỗi năm đồng bào đỡ mấy triệu công chống hạn, thu hoạch lại tăng lên”.

          Công trình Đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải là một trong những công trường lớn của miền Bắc với triển vọng chủ động tưới tiêu cho hàng ngàn héc-ta ruộng các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Khắp các công trường, cán bộ, nhân dân ra sức thi đua thực hiện lời Bác dạy “Bây giờ chịu khó phấn đấu trong mấy tháng. Sau này sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài trăm năm”. Các công trường trên địa bàn các huyện Văn Giang, Văn Lâm đã vinh dự được đón Bác về thăm ba lần nữa. Đó là ngày 16/10/1958, Bác về thăm và nói chuyện với cán bộ, dân công và nhân dân xã Trung Kiên (nay là xã Lạc Đạo, Văn Lâm) đang làm việc tại đoạn sông Đình Dù đoạn Như Quỳnh, chợ Đậu. Ngày 25/10/1958, Bác về thăm công trường Đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải lần thứ ba. Ngày 20/2/1959, Bác về thăm công trường Đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải lần thứ tư. Bác đến thăm anh chị em công nhân đang làm việc tại cống Xuân Quan (Văn Giang) và tới thăm nhân dân xã Bát Tràng (nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội).

          Từ niềm tin tưởng, sự quyết tâm to lớn: “Nhân định thắng thiên”, “Làm thuỷ lợi khó nhọc trong vài năm để sung sướng muôn đời”… mà Bác truyền cho, trên khắp các địa phương, nhân dân Hưng Yên sôi nổi thi đua làm thuỷ lợi, quyết tâm “thay trời làm mưa”. Toàn tỉnh như một công trường khổng lồ với nhiều công trình thủy lợi lớn như công trình đại thuỷ nông Bắc -  Hưng -  Hải điều tiết và cung cấp nước tưới cho ba tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương; công trình sông Điện Biên cung cấp nước tưới cho hơn hai vạn hécta ruộng phía nam tỉnh, công trình dòng sông mang tên Bác Hồ của huyện Tiên Lữ. Cuối năm 1958, xã Vạn Xuân đã trở thành xã mạnh, nhất là trong phong trào làm thuỷ lợi, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba.

          Với những thành tích nổi bật trong công tác thuỷ lợi, Hưng Yên lại một lần nữa vinh dự đón Bác về thăm và được Bác tặng cờ luân lưu làm thủy lợi khá nhất miền Bắc tại Hội nghị tổng kết công tác thuỷ lợi toàn miền Bắc (ngày 15 và 16/9/1961). Niềm vinh dự lớn lao càng góp phần nhân lên sức mạnh, sự quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, chính vì vậy, Hưng Yên không ngừng vươn lên, liên tục 4 năm 1961 – 1964, Hưng Yên đều được Bác Hồ gửi thư khen và được tặng cờ thưởng luân lưu làm thuỷ lợi khá nhất. Trong phong trào thủy lợi của Hưng Yên, đã xuất hiện 2 cá nhân được vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng lao động ngành thủy lợi là Phạm Thị Vách và Vũ Thị Tỵ; có 11 người được Bác thưởng huy hiệu vì có thành tích làm thủy lợi.

          b. Trên lĩnh vực quân sự, những lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam để Đảng bộ Hưng Yên xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân.

          Tháng 4 năm 1948, tại Hội nghị dân quân toàn quốc ở Việt Bắc, Bác căn dặn cán bộ tỉnh Hưng Yên: Các cô, các chú không có rừng cây, nhưng có rừng dân, dựa vào dân mà kháng chiến”. Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên không quản hy sinh vất vả, liên tục đứng lên, liên tục chiến đấu để bảo vệ quê hương. Là tỉnh bị thực dân Pháp liên tục mở các cuộc càn quét lớn, có cuộc càn kéo dài cả chục ngày, tràn qua địa bàn tỉnh. Đặc biệt từ cuối năm 1949, toàn bộ địa bàn Hưng Yên nằm trong vùng kiểm soát của địch, cả tỉnh có 360 làng thì có 360 hương đồn, tháp canh, bốt địch. Song quân và dân Hưng Yên vẫn kiên trì bám trụ, đã vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến của Đảng, đặc biệt là thực hiện tốt lời dạy của Bác, bám đất, bám dân gây dựng cơ sở phát triển phong trào, huy động sức mạnh nhân dân để đánh địch. Nhiều nơi địch kiểm soát ban ngày nhưng ban đêm ta vẫn tổ chức những trận đánh du kích để tiêu diệt địch… Với những chiến công vang dội, năm 1952, quân và dân Hưng Yên đã vinh dự được Bác tặng cờ “Đoàn kết nhân dân đánh thắng giặc Pháp”. Hưng Yên cũng được Bác nhắc đến nhiều trong các bài viết về gương kháng chiến. Trong bài “Chiến tranh du kích ở Việt Nam”, Bác viết về Hưng Yên: “Tỉnh Hưng Yên nằm trên tả ngạn sông Hồng, chỉ cách Hà Nội 35 cây số. Tỉnh gồm 9 huyện và có gần 50 vạn dân. Tỉnh bị quân Pháp chiếm đóng từ đầu chiến tranh. Chiến tranh du kích ở đây khá mạnh. Nhiều lần bị đàn áp, nhưng luôn luôn tự tổ chức lại. Từ năm 1946 đến tận ngày hôm đó, hơn 600 đảng viên (những người tổ chức và chỉ huy những chiến sĩ du kích) đã bị hy sinh”. Cũng trong bài, Bác nêu gương nữ Anh hùng liệt sỹ Bùi Thị Cúc “Bị bắt, đồng chí phải trải qua những phương pháp thẩm vấn tàn bạo nhất mà bọn cảnh sát có thể nghĩ ra được: tra điện, bóc móng tay, chân và lột tóc, nhấn chìm xuống nước, treo lên dây, thả rắn vào quần, v.v.. Chị không nói một lời nào. Điên cuồng bọn man rợ chặt đứt một bàn tay, rồi bàn tay còn lại; một bàn chân, rồi bàn chân còn lại. Cuối cùng bọn chúng mổ bụng chị.

          Trước khi chết, lấy hết sức lực của mình, chị hô to: "Việt Nam độc lập muôn năm! Bác Hồ muôn năm!". Tức thì bọn Pháp cắt đứt lưỡi chị và băm nát thân thể chị thành những mảnh nhỏ…".

          Nguyễn Thị Cúc, Zoia của chúng tôi, Daniell Casanova1 của chúng tôi đã chết, nhưng chủ nghĩa anh hùng của chị đã cổ vũ cho đồng bào chúng tôi đứng lên, đặc biệt là đồng bào tỉnh Hưng Yên và đã thúc đẩy họ chiến đấu hăng hái hơn chống lại quân xâm lược”. Trong thư gửi các chiến sỹ đường số 5, Bác động viên “Nam nữ dân quân du kích đường số 5 năm ngoái đánh giặc khá, sang năm 1949, anh chị em du kích đường số 5 phải cố gắng thêm, đánh nhiều hơn, mạnh hơn để lập công to hơn nữa. Và để làm kiểu mẫu cho dân quân du kích khác”. Nhiều tập thể và cá nhân của Hưng Yên có thành tích chiến đấu xuất sắc được Bác trực tiếp gặp, động viên khen thưởng hoặc gửi tặng Huy hiệu...

          c. Bác Hồ còn đặc biệt quan tâm vấn đề xây dựng quan hệ sản xuất mới và đẩy mạnh phát triển kinh tế của Hưng Yên.

          Mỗi lần về thăm, làm việc tại Hưng Yên, Bác đều nhắc nhở đồng bào phải củng cố các tổ đổi công, xây dựng hợp tác xã: “Tỉnh Hưng Yên hiện nay có hơn 5.800 tổ đổi công và 3 hợp tác xã. Đó là những đội quân mạnh mẽ để lôi cuốn nông dân cả tỉnh tranh đấu cho vụ mùa thắng lợi. Chúng ta cần phải phát triển và củng cố lực lượng ấy, làm cho họ hăng hái hoạt động thật sự. Các đảng viên và đoàn viên thanh niên phải tham gia tổ đổi công hoặc hợp tác xã; các đồng chí bộ đội cần phải góp phần xứng đáng vào công cuộc phát triển nông nghiệp, "thực túc thì binh cường" và phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ của người cách mạng của đội tiên phong”.

          Sau Hội nghị tổng kết công tác thuỷ lợi toàn miền Bắc, nói chuyện với đồng bào Hưng Yên, Bác khen: “Cơ sở sản xuất nông nghiệp là hợp tác xã. Hiện nay tỉnh ta có hơn 456 hợp tác xã toàn thôn, trong đó có 24 hợp tác xã thi đua với Đại Phong hoàn thành kế hoạch 5 năm trước thời hạn, 247 hợp tác xã bậc cao. Như thế là khá”.  Theo dõi phong trào của Hưng Yên, thấy đơn vị, cá nhân nào làm tốt, Bác đều gửi thư động viên. Năm 1968, Bác gửi thư và tặng Bằng khen cho cán bộ và nhân dân xã Đình Cao (Phù Cừ) về thành tích sắp xếp công việc thích hợp cho xã viên có hoàn cảnh khó khăn. Bác viết “Mỗi hợp tác xã phải như một gia đình, phải thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, Bác rất vui lòng biết rằng đồng bào và cán bộ các hợp tác xã Đình Cao làm được như vậy, đã đoàn kết tốt, đã sắp xếp công việc làm ăn thích hợp cho các cụ già, các cháu mồ côi và những đồng bào tàn tật. Nhờ vậy mà mọi người đều vui vẻ và hăng hái góp phần vào công việc sản xuất và chiến đấu”. Trong thư gửi các cụ phụ lão xã Hồng Vân, Bác cũng nhắc đến việc tăng cường củng cố tổ đổi công và xây dựng hợp tác xã: “Tôi mong các cụ sẽ tiếp tục đôn đốc và góp sức cùng đồng bào củng cố tốt tổ đổi công và hợp tác xã, làm nhiều tiểu thuỷ nông, cày sâu, bừa kỹ, bón nhiều phân, thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, để nâng cao mức sống của nhân dân hơn nữa”.

          Mối quan hệ và phân phối sản phẩm trong hợp tác xã cũng được Bác chỉ rõ. Nói chuyện với nhân dân xã Nghĩa Dân, Bác thẳng thắn: “Mỗi xã viên phải làm chủ, hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ. Mình có quyền làm chủ và tự nguyện vào, Đảng và Chính phủ không bắt buộc. Phải xây dựng hợp tác xã cho tốt. Ban Quản trị dân chủ do xã viên cử ra. Ban Quản trị nếu không làm tròn thì xã viên có quyền cách chức, khi chưa bầu thì hăng hái, khi bầu rồi thì chây lười. Những việc trong hợp tác xã thì Ban quản trị và xã viên nhất trí mới làm được, phải công bằng, phải cùng làm, không được chọn việc, thu hoạch phải chia đều”. Và, trong một lần nói chuyện với đồng bào Hưng Yên, Bác nhấn mạnh điều đầu tiên để các hợp tác xã phát triển là: “Mọi người phải nâng cao tinh thần đoàn kết, tinh thần làm chủ; thực hiện cần, kiệm xây dựng hợp tác xã, chống lãng phí tham ô”.

          Đối với đội ngũ cán bộ của Hưng Yên, Bác yêu cầu: “Để lãnh đạo tốt, các đồng chí bí thư và uỷ viên, các đồng chí chủ tịch các cấp từ tỉnh đến xã cần phải thật sự tham gia vào một tổ đổi công hoặc một hợp tác xã nông nghiệp, phải lao động thật sự để rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm. Cần tổ chức tham quan những xã điển hình tốt, để học hỏi lẫn nhau.

          Đảng viên, đoàn viên, các chiến sĩ thi đua nông nghiệp, chị em phụ nữ phải làm đầu tàu.

          Với truyền thống anh dũng và tinh thần hăng hái sẵn có, chắc rằng đồng bào và cán bộ Hưng Yên quyết tranh thủ thực hiện cho kỳ được vụ mùa thắng lợi, đồng thời đưa tỉnh nhà lên địa vị vẻ vang là một tỉnh gương mẫu trong sự nghiệp đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội và góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà".

          Bác quan tâm đến từng chi tiết, sao cho sản xuất của nhân dân có hiệu quả, giá trị sản xuất cao. Theo Bác, để vụ mùa (1958) thắng lợi, cần : “…Tư tưởng mọi người phải thông, phải thật thông rằng "Nhân định thắng thiên". Để tranh thủ vụ mùa thắng lợi, chúng ta phải sửa chữa những khuyết điểm và phát triển những ưu điểm nói trên. Chúng ta phải làm những việc sau đây:

          Nước: Hiện nay vụ mùa đến, nhưng vẫn hạn. Chúng ta phải quyết tâm khơi thêm mương, đào thêm giếng, gánh nước, tát nước. Phải quyết tâm làm đủ mọi cách để có đủ nước tưới ruộng. Chúng ta phải thực hiện "vắt đất ra nước, thay trời làm mưa".

          Phải kiên quyết động viên và dựa vào lực lượng vô cùng vô tận của quần chúng để làm cho có nước.

Toàn dân đoàn kết một lòng,

Đập đá thì núi vỡ, đào sông thì nước về.

          Phân: Bón mỗi mẫu 50 gánh phân, như thế ít quá. Cần phải cố gắng bón nhiều hơn nữa. Tục ngữ nói: "Một gánh phân cân một đấu thóc". Bón phân càng nhiều, thu hoạch càng tăng.

          Cày sâu: Tục ngữ ta có câu "Cày sâu cuốc bẫm, thóc đầy lẫm, khoai đầy bồ".

          Cấy dày.

          Chọn giống tốt: Là một điều rất quan trọng. Giống tốt thì lúa tốt, lúa tốt thì được mùa. Điều đó rất dễ hiểu. "Lúa tốt vì giống, lúa sống vì phân".

          Kỹ thuật: Ta cần phải cải tiến kỹ thuật cày, cấy, làm cỏ, tát nước... Chúng ta sống ở thời đại vệ tinh, mà làm ruộng vẫn giữ cách thức đời xửa đời xưa, như thế là không hợp thời, khó tiến bộ...

          Chống hạn, phòng lụt: Trời thường có những biến cố bất thình lình. Cho nên trong lúc ra sức chống hạn, chúng ta cũng phải đề phòng lụt. Phải thường xuyên kiểm soát đê và kè. Phải tổ chức chu đáo lực lượng canh gác. Phải chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ, nguyên liệu, vật liệu để đối phó kịp thời nếu có lụt. Phân công phụ trách phải rất rành mạch, nghiêm túc.

          Phát triển và củng cố lực lượng: để thực hiện tốt những công việc nói trên, cần phải có những đội quân chủ lực”.

          d. Tình cảm của Bác Hồ đối với Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên còn thể hiện ở sự quan tâm phát triển văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân của tỉnh nhà.

          Những năm đầu độc lập, phong trào diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm do Bác phát động rầm rộ từ nông thôn đến thành thị. Nhiều nơi trong tỉnh, phong trào Bình dân học vụ đã cơ bản xóa mù chữ cho nhân dân. Viết thư gửi huyện Phù Cừ, Bác khen “Tôi rất vui lòng thay mặt Chính phủ khen ngợi huyện Phù Cừ đã thanh toán xong nạn mù chữ tức là đã tiêu diệt hết giặc dốt.”

          … “Vậy tôi khuyên đồng bào cố gắng tiếp tục học thêm cho tiến bộ hơn nữa, đồng thời mỗi người xung phong thi đua ái quốc làm cho huyện Phù Cừ trở lên một huyện kiểu mẫu trong công cuộc diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm”.

          Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều địa phương trong tỉnh vừa tổ chức nhân dân đánh giặc, vừa mở các lớp học bình dân. Biết tin, Bác đã viết bài nêu gương “Bất chấp những nguy hiểm và khó khăn của một tỉnh bị chiếm đóng, Hưng Yên vừa chiến đấu chống thực dân Pháp, vừa chống nạn dốt. Việc thanh toán nạn mù chữ tiếp tục trong vòng bí mật: năm 1951, hơn 460 lớp học bí mật đã được tổ chức với 3.120 học sinh”.

          Về thăm và làm việc tại Hưng Yên, nói chuyện với cán bộ và đồng bào thị xã, Bác căn dặn: “Về đoàn kết và xây dựng nếp sống mới: Phải làm sao cho thị xã Hưng Yên thuần phong mỹ tục. Mọi người yêu thương, đoàn kết giúp đỡ nhau, không để xảy ra đánh cãi nhau, không có trộm cắp, sạch đường sá, không mê tín dị đoan…”.

          Không chỉ viết thư, nói chuyện, bản thân con người Bác đã toát lên một thứ văn hóa, văn hóa Hồ Chí Minh. Cũng trong những lần Bác về thăm và làm việc tại tỉnh, cán bộ, nhân dân lại được học thêm Bác về phong cách sống giản dị, lối ứng xử đối với cán bộ cấp dưới khéo léo, nhẹ nhàng, tình cảm mà nghiêm khắc. Đồng chí Trần Duy Dương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên kể về một bữa cơm của Bác tại Hưng Yên:

          “Tôi mời Bác: Chúng cháu đã chuẩn bị cơm, mời Bác đi ăn cơm với chúng cháu.

          Bác đồng ý.

          Vào bữa cơm, Bác cùng chúng tôi ngồi vào bàn ăn, đồng chí phục vụ của Bác mang tới một túi gồm có: một nắm cơm, một khúc cá kho, một ít thịt cùng một chai nước được mang theo. Trên bàn ăn, anh Chính - Văn phòng Uỷ ban hành chính tỉnh đã bày thức ăn và cơm do nhà bếp của cơ quan chuẩn bị.

          Bác mở gói cơm của Bác ra, Bác nói: Cơm của Bác, Bác ăn, cơm các chú các chú ăn. Chúng tôi thưa: Xin Bác cho chúng cháu cùng ăn cơm của Bác ạ. Bác rất vui và đồng ý cho chúng tôi cùng ăn, ăn xong cơm của Bác, đồng chí Nguyễn Khai xới cơm, bát cơm nào cũng chỉ trên lưng bát. Bác nói: Chú Khai, chú xới cơm bát cơm vơi thế này, chú làm việc sao đầy đặn được?. Đồng chí Khai xới thêm cơm vào tất cả các bát, Bác và chúng tôi cùng ăn cơm, Bác nói chuyện rất vui và đầy dí dỏm”.

          Chính trong bữa cơm này, cán bộ Hưng Yên lại thấm thía sâu sắc một bài học về tính tiết kiệm:

          “Bữa cơm ăn sắp xong, trên mỗi đĩa bát đều còn lại một ít thức ăn, Bác kéo một bát thức ăn chỉ còn chút ít nước để cạnh Bác, sau đó Bác hỏi:

          Các chú có ăn thức ăn thừa của ai không?

          Mọi người  nói: Thưa Bác chúng cháu không ăn thừa.

          Bác nói: Các chú không ăn thừa, sao các chú lại để thừa, ai ăn thừa của các chú? Đây là phần Bác, Bác ăn.

          Mọi người đều vui vẻ ăn hết  thức ăn còn lại”.

          Ngày 16/9/1961, sau khi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nói chuyện với đồng bào, cán bộ Hưng Yên tại sân vận động thị xã Hưng Yên, buổi chiều, Bác đến thăm và nói chuyện với nhân dân xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động, thăm lớp mẫu giáo thôn Thổ Cầu, xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động. Bác ân cần hỏi thăm các cô mẫu giáo, chia kẹo cho các cháu, Bác đã nói chuyện tại lớp mẫu giáo. Trong khi nói chuyện, Bác có nói một câu thật giản dị nhưng vô cùng sâu sắc:

          “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây,

          Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

          Lời dạy của Bác đã trở thành tư tưởng, là phương châm của nền giáo dục nước nhà.

          Cũng tại đây, Bác khen ngợi thành tích của xã có nhiều mặt khá, hợp tác xã làm phân khá, vệ sinh tương đối khá…, đồng thời dặn dò: "Các cụ, các cô, các chú, các cháu làm thế là tốt, vì đã làm cho đời sống nhân dân, xã viên bằng hoặc hơn đời sống của đồng bào trung nông lớp trên. Các cụ, các cô, các chú, các cháu làm thế cũng chưa đủ còn phải hăng hái trong sản xuất, thực hành tiết kiệm, học tập để mỗi ngày nâng cao đời sống.

          Xã Nghĩa Dân là "Dân có nghĩa", phải ra sức tăng gia, sản xuất, thực hành tiết kiệm tốt, làm gương cho các xã khác.

          Trước đây vào ngày này con bò đi trước, cái cày theo sau, nhưng rồi đây các cháu lớn sẽ có máy cày. Muốn có máy cày đồng bào phải tích cực tăng gia, sản xuất, thực hành tiết kiệm để mua máy cày, nhưng phải tự dân làm mà mua".

          Các cụ phụ lão và thiếu nhi của Hưng Yên cũng được Bác dành cho những tình cảm đặc biệt. Ngày 21-10-1946, sau khi kết thúc chuyến thăm nước Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp, Hồ Chủ tịch về nước bằng tàu thuỷ. Từ Hải Phòng đến Hà Nội bằng tàu hoả, Bác nói chuyện với nhân dân ra chào đón Bác tại ga Đình Dù, Văn Lâm. Trong số những người ra đón Bác, có cả những em thiếu nhi “Tay cầm cờ đỏ sao vàng, đứng chật hai bên đường, hai bên bờ ruộng. Reo cười ca hát, vui vẻ như một đàn chim”. Sau đó, Bác đã gửi thư cho các em: “Nay Bác viết mấy chữ, để cảm ơn các cháu và khuyên các cháu:

          1. Phải siêng học,

          2. Phải giữ sạch sẽ,

          3. Phải giữ kỷ luật,

          4. Phải làm theo đời sống mới,

          5. Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ anh em”.

          Sinh thời, dường như những việc làm tốt nào của các em thiếu nhi, các cụ phụ lão Bác biết, đều được Người gửi thư, thưởng Huy hiệu. Trên địa bàn tỉnh, có  hàng chục cụ già, em nhỏ của Hưng Yên đã được Bác khen thưởng, động viên.

          2.2. Tình cảm của Đảng bộ và nhân dân Hưng yên đối với Bác Hồ:

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều tình cảm đặc biệt cho “quê hương nhãn lồng” với 10 lần về thăm; 14 lần gửi thư thăm hỏi, động viên cán bộ và nhân dân Hưng Yên; 20 lần ký sắc lệnh khen thưởng cho tập thể và tặng Huy hiệu của Người cho 67 cá nhân từ các cháu thiếu niên, nhi đồng, chiến sĩ dân quân, bộ đội, giáo viên đến các cụ phụ lão có thành tích trong chiến đấu, lao động, học tập và rèn luyện.

a) Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên học tập và vận dụng hiệu quả những lời dạy của Bác Hồ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa

          Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, vừa giành được chính quyền, Hưng Yên còn gặp vô vàn khó khăn: thực dân Pháp quay lại xâm lược, nạn đói, nạn dốt, hạn hán, lụt lội đe doạ… Giữa lúc đó, ngày 10/1/1946, Bác về thăm và động viên phong trào, Bác động viên đồng bào Hưng Yên tích cực đắp đê phòng lụt, đoàn kết chặt chẽ và làm việc giúp đỡ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đáp lại tình cảm quan tâm, lời dặn dò ân cần của Bác, Hưng Yên đã đoàn kết, đồng lòng diệt giặc dốt, giặc đói và tích cực chuẩn bị các điều kiện phục vụ chiến đấu.

Tháng 4 năm 1948, tại Hội nghị dân quân toàn quốc ở Việt Bắc, Bác căn dặn cán bộ tỉnh Hưng Yên: Các cô, các chú không có rừng cây, nhưng có rừng dân, dựa vào dân mà kháng chiến. Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên không quản hy sinh vất vả, liên tục đứng lên chiến đấu chống lại các cuộc càn quét lớn, có cuộc càn kéo dài cả chục ngày, tràn qua địa bàn tỉnh của thực dân Pháp. Tổng kết kháng chiến, quân và dân Hưng Yên đã chiến đấu 9.022 trận, tiêu diệt 19.275 tên địch, bắt sống 4.917 tên, ra hàng 12.052 tên; thu được nhiều xe quân sự, súng các loại… Hưng Yên được Bác Hồ gửi thư khen, tặng Cờ “Đoàn kết nhân dân đánh thắng giặc Pháp” cùng nhiều hiện vật cho các đơn vị, tập thể và cá nhân. Được Đảng và Nhà nước khen tặng 10 Huân chương Quân công, 30 Huân chương Chiến công, 3 Huân chương Kháng chiến cùng hàng vạn huân huy chương các loại cho các đơn vị và cá nhân, gia đình có công lao, thành tích trong kháng chiến…

Sau ngày giải phóng quê hương năm 1954, quân dân Hưng Yên bắt tay khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo phát triển sản xuất, phát triển văn hoá xây dựng quê hương. Là tỉnh đồng bằng, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, đất đồng chiêm chớm mưa là úng, nắng lên lại hạn, hằng năm chỉ cấy có một vụ mà vẫn bấp bênh. “Nước” và vấn đề trị thuỷ luôn là nỗi ám ảnh, lo lắng của người nông dân. Trong khi đó, lối làm ăn lại riêng lẻ khiến người nông dân không đủ sức chống lại thiên tai. Giữa lúc đang khó khăn chồng chất, hạn hán đe doạ, ngày 5/1/1958, Bác về thăm, động viên cán bộ, nhân dân trong tỉnh phải tích cực làm thuỷ lợi, phát triển sản xuất. Người ân cần dặn dò “Phải đào sông khơi ngòi, hợp tác nhau lại chống thiên tai”. Vâng lời Bác, nông dân trong tỉnh đã vào các tổ đổi công, hợp tác xã và ra sức đào mương chống hạn. Tiếp đến vụ mùa năm 1958 (3/7/1958), Bác về thăm Hưng Yên, động viên, cổ vũ truyền thống đấu tranh anh dũng, tinh thần lao động cần cù của đồng bào và cán bộ Hưng Yên. Bác chỉ thị phải tranh thủ kỳ được vụ mùa thắng lợi, phấn đấu đưa tỉnh nhà lên một tỉnh gương mẫu trong sự nghiệp đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, góp phần vào công cuộc đấu tranh giành thống nhất nước nhà.

Chỉ tính riêng 2 năm 1958-1959, Bác đã về thăm Hưng Yên sáu lần, cả sáu lần Bác đều căn dặn cán bộ và nhân dân Hưng Yên tập trung làm thuỷ lợi. Những lời dạy của Bác đã được Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên nỗ lực thực hiện, trên khắp các địa phương, nhân dân Hưng Yên sôi nổi thi đua làm thuỷ lợi, quyết tâm “thay trời làm mưa”. Chỉ sau một thời gian ngắn, Hưng Yên đã đạt được những kết quả đáng mừng, đẩy lùi một bước quan trọng của nạn hạn hán, mở rộng diện tích canh tác, tăng sản lượng lúa và hoa màu. Từ một tỉnh đói nghèo, 18 năm đê vỡ trong thời Pháp thuộc, cấy mười vụ thì mất mùa bảy, tám vụ vì hạn hán…, đến đầu những năm 1960, Hưng Yên không những đủ gạo ăn, còn thừa thóc bán cho Nhà nước, (riêng trong vụ mùa 1960 thừa 2 vạn tấn thóc), toàn tỉnh quyết tâm “đuổi kịp trung nông” trong kế hoạch năm năm lần thứ hai (1961 – 1965). Với những thành tích nổi bật trong công tác thuỷ lợi, Hưng Yên lại một lần nữa vinh dự đón Bác về thăm và được Bác tặng cờ luân lưu "Làm thủy lợi khá nhất" tại Hội nghị tổng kết công tác thuỷ lợi toàn miền Bắc. Niềm vinh dự lớn lao càng góp phần nhân lên sức mạnh, sự quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, chính vì vậy, Hưng Yên không ngừng vươn lên, liên tục 4 năm 1961 – 1964, Hưng Yên đều được Bác Hồ gửi thư khen và được tặng cờ thưởng luân lưu "Làm thuỷ lợi khá nhất".

Cùng với những thành tích to lớn trong công tác thuỷ lợi, theo lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ, quân và dân Hưng Yên còn phấn đấu đạt được những thành tích to lớn trong phong trào hợp tác hoá, bổ túc hoá, quân sự hoá, góp phần vào thành công chung của phong trào Tứ hoá, nhằm phát triển đồng đều, nâng cao dân trí, tiếp thu khoa học kỹ thuật vào sản xuất và xây dựng lực lượng vũ trang bảo vệ quê hương, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Thấm nhuần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, Tỉnh ủy Hưng Yên đã nghiêm túc quán triệt lời dạy của Bác tới các chi, đảng bộ cơ sở; phát động phong trào thi đua trong toàn dân xây dựng nếp sống mới, xây dựng gia đình văn hóa. Từ trong phong trào, đã xuất hiện 6 gia đình thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ, tự giao ước thi đua với nhau xây dựng gia đình thành những gia đình tiêu biểu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, chấp hành đường lối chính sách của nhà nước. Mô hình nhanh chóng lan rộng ra toàn tỉnh và cả miền Bắc xã hội chủ nghĩa lúc đó. Phong trào xây dựng nếp sống mới, gia đình văn hóa là động lực quan trọng thúc đẩy phong trào: "tứ hóa" (thủy lợi hóa, hợp tác hóa, bổ túc văn hóa, quân sự hóa) và các mặt công tác khác cùng tiến bộ, góp phần củng cố hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa miền Bắc, chi viện đắc lực sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, hòa bình thống nhất Tổ quốc, được Bác Hồ ưu ái về thăm 10 lần, 3 lần Người thưởng Cờ thi đua luân lưu: "Làm thủy lợi khá nhất", tặng lá cờ "Làm công tác giao thông vận tải nông thôn khá nhất", được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thưởng lá cờ "Dẫn đầu công tác bổ túc văn hóa". Giương ngọn cờ tiên phong đi tham gia phát triển kinh tế, phát triển văn hóa ở miền núi phía Bắc; thực hiện điện khí hóa, cơ giới hóa nông thôn sớm nhất; thành công việc nuôi ong lấy mật ở đồng bằng để bồi dưỡng sức dân, được nhà nước thưởng Huân chương lao động hạng Ba; "mở hội làm giàu", thi đua với hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình) đuổi kịp và vượt mức sống trung nông lớp trên. Ba điển hình "trai gái Đại Phong" và kiện tướng thủy lợi được phong Anh hùng lao động là Phạm Thị Vách, Vũ Thị Tỵ, Lê Thị Lục được Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều lãnh tụ khác khen là "Tỉnh thực hiện sáng tạo nhất Nghị quyết Trung ương năm (Đại hội III) ở đồng bằng sông Hồng".

Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đang tích cực phấn đấu thi đua hoàn thành tốt các phong trào sản xuất giỏi, chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc, thực hiện Nghị quyết số 504- NQ/TVQH của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 26/01/1968, hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương được hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng. Tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác và Di chúc của Người (sau khi Bác qua đời ngày 2-9-1969), trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, biến đau thương thành hành động cách mạng, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã tích cực phấn đấu trên mặt trận sản xuất với phong trào “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, tiếp tục củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, xây dựng các cánh đồng 5 tấn, các công trình thuỷ lợi được tu bổ, nâng cấp ngày càng vững chắc hơn, tốt hơn, xây thêm nhiều trạm bơm điện, tập trung cao nhất sức người sức của để chi viện cho miền Nam, góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Hưng Yên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huân chương lao động hạng Nhất, cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong phong trào “Quân sự hoá”, Hưng Yên nhiều năm dẫn đầu Quân khu Tả ngạn. Nhiều địa phương, đơn vị và cá nhân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương, huy chương, được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang,  danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Từ năm 1954 đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 18 lần tặng cờ, bằng khen, ký Sắc lệnh tặng Huân chương lao động, cùng nhiều tặng phẩm khác dành cho các tập thể của Hưng Yên; có 67 cá nhân vinh dự được nhận Huy hiệu, bằng khen và tặng phẩm của Người.

          b) Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên thực hiện lời dạy của Bác trong giai đoạn hiện nay:

Thực hiện Lời tuyên thệ của Đảng bộ tỉnh trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đem hết sức lực củng cố và tăng cường đoàn kết, nhất trí trong Đảng bộ mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và ban chấp hành các cấp bộ Đảng là hạt nhân của khối đoàn kết”; Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hưng Yên nêu cao tinh thần đoàn kết thống nhất trên cơ sở nguyên tắc xây dựng Đảng, Cương lĩnh và Điều lệ Đảng. Từng đồng chí Tỉnh uỷ viên luôn nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; gương mẫu học tập, rèn luyện, tu dưỡng theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh; nói, viết và làm theo nghị quyết của Đảng. Quan hệ giữa các đồng chí cấp uỷ cùng cấp chặt chẽ gắn bó; giữa cấp trên với cấp dưới và với đảng viên nghiêm túc, đúng mực. Việc học tập và làm theo Bác đã được tỉnh ta tổ chức chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm, trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu sắc và thường xuyên trong toàn Đảng bộ tỉnh. Hàng năm, cấp ủy các cấp đều triển khai học tập, nghiên cứu các chuyên đề nghiêm túc, bài bản, chất lượng, hiệu quả cao. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện các chuyên đề, các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các chi bộ trong tỉnh đều xây dựng kế hoạch; lựa chọn những nội dung phù hợp với nhiệm vụ cụ thể của địa phương, đơn vị để học tập và làm theo.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả thiết thực. Trong đó, lựa chọn một số công việc, vấn đề cụ thể mang tính đột phá nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, được dư luận quan tâm để tập trung giải quyết dứt điểm. Công tác tự phê bình và phê bình được thường xuyên quan tâm, chỉ đạo; đưa nội dụng tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, việc học tậpvà làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt định kỳ ở chi bộ; đề cao trách nhiệm nêu gương cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tự phê bình và phê bình, từ đó góp phần nâng cao chất lượng tổ chức đảng và đảng viên trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp uỷ viên, ủy viên ban thường vụ, thường trực cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định về việc các đồng chí cấp ủy viên đi công tác cơ sở và dự sinh hoạt chi bộ. Công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân được tăng cường nhằm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh...

Từ nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng, tăng cường đoàn kết, thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã hội đã tạo sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Với các giải pháp đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, sau hơn 20 năm tái lập, Hưng Yên đã xây dựng được một nền tảng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ, vững chắc: Tăng trưởng kinh tế nhanh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 1997, nông nghiệp chiếm tỷ trọng tới 52%, công nghiệp - xây dựng chỉ chiếm 20%, thương mại - dịch vụ chiếm 28% trong cơ cấu kinh tế. Đến năm 2018, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng đã chiếm 51,56%, thương mại - dịch vụ 37,86%, nông nghiệp - thủy sản còn 10,58%. Thu ngân sách năm 1997 đạt khoảng 82 tỷ đồng, năm 2018 đạt 13.168 tỷ đồng (gấp hơn 160 lần); tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 55,3 triệu đồng (năm 1997 đạt 205 USD). Hiện tỉnh xây dựng và được chấp thuận 10 khu công nghiệp tập trung, với quy mô 2.481 ha, trong đó 4 khu đã đi vào hoạt động, tiêu biểu là Khu Công nghiệp Thăng Long II, Khu Công nghiệp Phố Nối A. Trong những năm qua, nhiều công trình, dự án trọng điểm của quốc gia và của tỉnh được đầu tư, xây dựng và hoàn thành đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, như: Đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng đoạn qua tỉnh Hưng Yên, Quốc lộ 38B, Quốc lộ 39; đường 200, đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, đường đê tả sông Hồng giai đoạn I, Đường nối cao tốc Hà Nội- Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Cầu Yên Lệnh, Cầu Hưng Hà; đang thi công đường đê tả sông Luộc...; nhiều tuyến đường tỉnh, huyện được nâng cấp, mở rộng, đưa vào sử dụng; hoàn thành Trung tâm Hội nghị tỉnh, Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tỉnh hoàn thành dồn thửa đổi ruộng, thực hiện chuyển đổi hàng nghìn ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây có giá trị, hiệu quả kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa; thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác đạt 192 triệu đồng. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung đẩy mạnh. Đến nay, thị xã Mỹ Hào, thành phố Hưng Yên, huyện Văn Giang, huyện Văn Lâm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...

Lĩnh vực văn hóa - xã hội nhiều mặt có tiến bộ. Giáo dục và đào tạo được mở rộng về quy mô, chất lượng ngày càng được nâng cao; Hưng Yên là tỉnh thứ 6 trong toàn quốc đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tỉnh thứ 7 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,55%. Sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm đầu tư phát triển; hoàn thiện hệ thống và mạng lưới y tế cả ở 3 tuyến tỉnh, huyện và xã. Thực hiện tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Tỉnh hoàn thành Chương trình hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; hoàn thành trước 2 năm Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 33-QĐ/TTg ngày 10.8.2015 của Thủ tướng Chính phủ. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc... tạo ra thế và lực mới để Hưng Yên tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới, đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của đất nước.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết